Chào các bạn, mời bạn quảng cáo banner tại đây kích thước 500x70 - giá mềm 700.000/tháng. liên hệ suckhoegd@gmail.com. Mr.Cường



| 0 tin nhắn ]

Tôi xin mượn lời đoạn kết của bài “Bác sĩ nước ngoài học phẫu thuật nội soi tại Việt Nam” được đăng trên báo Sài Gòn giải phóng đúng vào ngày Thầy thuốc năm 2010 để chia sẻ về nhiệt huyết, lòng quyết tâm và tự hào của một người bác sĩ tài hoa trong ngành ngoại khoa Việt Nam: “Để có được những “lần đầu tiên” như thế, TS. Nguyễn Minh Hải lý giải, chính việc các bác sĩ được học tập chuyên sâu ở nước ngoài, cộng với sự khéo léo của người VN đã đem lại thành công bước đầu cho bộ môn phẫu thuật nội soi. TS Hải ví von: “Có lẽ người VN dùng đũa quen nên khi cầm 2 “cây đũa dài” để cắt, đốt bệnh phẩm trong người bệnh nhân rất thuần thục. Những điều đặc biệt này khiến các bác sĩ ở những nước có nền y học khá phát triển đã tìm sang VN học phẫu thuật nội soi nâng cao. Nhưng đó không phải là lớp học trao đổi, giao lưu như thường lệ mà người học phải tốn học phí để học kỹ thuật y học từ VN. Đó là cả một niềm tự hào…”.

Mờ sáng hôm ấy, đang vật vờ sau đêm mất ngủ, bỗng nhận được cuộc điện thoại từ Bệnh viện Chợ Rẫy báo tin bác sĩ Nguyễn Minh Hải – Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa đã ra đi, tôi cứ ngỡ bạn bè đùa giỡn, bởi lẽ cái dư âm của ngày Cá tháng tư tới hôm ấy vẫn chưa xa. Thế nhưng sau khi gọi điện thoại lại cho một số anh em trong khoa thì đúng là không ngờ thật, anh Hải của chúng tôi đã ra đi vĩnh viễn… Nhanh quá… đời người không thể nào biết được... Trước ngày anh mất độ 1 tuần, anh còn  điện thoại cho tôi hẹn gặp nhau ở Maryland vào giữa tháng 4/2010 tại Hội nghị phẫu thuật nội soi quốc tế, nơi mà anh có tới 2 bài báo cáo tham luận. Anh còn vô tư chia sẻ với tôi dự án thành lập Trung tâm đào tạo phẫu thuật nội soi mang tầm cỡ quốc tế tại Bệnh viện Chợ Rẫy đang được Bộ Y tế phê duyệt cùng biết bao dự định cho những kỹ thuật, phẫu thuật mới cần phải cập nhật ở nước ngoài để áp dụng cho Việt Nam. Vậy mà...
TS. Nguyễn Minh Hải - người đứng thứ 4  từ bên phải sang (hình chụp khi đi tham quan Bệnh viện & Đại học Tsukuba - Nhật Bản).
Tôi quen anh một cách tình cờ trong công việc cách đây khoảng 10 năm. Khi ấy, việc phẫu thuật nội soi cho các bệnh nhân ung thư đại trực tràng, dạ dày, thực quản… ở Việt Nam còn rất mơ hồ và số ca được thực hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay bởi thiết bị hỗ trợ cho từng ca mổ được cho là quá tốn kém. Sau nhiều lần tham gia hội nghị, học tập ở nước ngoài, được tiếp cận với phương pháp phẫu thuật này, Nguyễn Minh Hải đã mạnh dạn áp dụng cho bệnh nhân ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Cùng với đó là việc phải chạy vạy tới từng hãng dược phẩm, từng công ty thiết bị y tế để xin tài trợ cho bệnh nhân, vì hầu hết những bệnh nhân của anh đều hết sức khó khăn, nhất là với phương pháp điều trị mới mẻ như vậy. Và những cố gắng của anh đã đem lại cuộc sống cho không ít người, đem lại niềm vui cho không ít gia đình... Những lúc cùng anh đi dự hội nghị ở nước ngoài hay đi mổ ở các tỉnh, sau những cuộc lang thang trò chuyện đến tận sáng, anh đã chia sẻ với tôi những tâm sự, những suy tư về ngành phẫu thuật nội soi ở Việt Nam. Mặc dù khi đó kỹ thuật này ở ta chưa theo kịp với các nước trong khu vực, nhưng trong suy nghĩ của anh, cuối cùng lúc nào cũng là câu: “Anh tin rằng 5 năm sau phẫu thuật nội soi ở Việt Nam sẽ đi đầu trong khu vực Đông Nam Á…”.

Anh đã từng nghĩ như thế, và đúng thật, chỉ 5 năm sau, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, chính anh cùng với các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đồng nghiệp và thế hệ đàn em ở cái lầu 4 của bệnh viện này đã đào tạo được hơn 150 bác sĩ, phẫu thuật viên cho các nước: Australia, Malaysia, Philippines, Indonesia, Thailand, Ấn Độ, Lào, Campuchia… Họ sang Việt Nam chỉ để học về phẫu thuật nội soi, điều mà trước đó không đâu và không ai dám nghĩ đến...

Đi sau nhưng về trước trong phát triển kỹ thuật mổ nội soi tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, kể từ ca nội soi cắt túi mật đầu tiên vào năm 1987, phẫu thuật nội soi với sự can thiệp tối thiểu ngày càng trở thành nhu cầu và xu hướng ở hầu hết các trung tâm y khoa trên thế giới. Ở Việt Nam, đến năm 1993, phẫu thuật cắt túi mật nội soi được thực hiện lần đầu tại Khoa ngoại tổng quát của Bệnh viện Chợ Rẫy. Từ đó đến nay, các kỹ thuật phức tạp, “khó nuốt” như cắt thực quản qua nội soi, cắt dạ dày và nạo hạch, cắt đại trực tràng lấy qua đường tự nhiên, lấy thận ghép… còn khá mới với một số nước nhưng ở Việt Nam, nhiều bệnh nhân của Khoa ngoại tiêu hóa Bệnh viện Chợ Rẫy đã được điều trị bằng phương pháp này. Thậm chí có vị bác sĩ nước ngoài sau khi chứng kiến ca mổ cắt toàn bộ đại trực tràng bằng nội soi, lấy bệnh phẩm qua đường hậu môn của kíp mổ do anh phụ trách đã phải thốt lên: “Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến ca phẫu thuật như thế này…”.
Người đứng chính giữa phía trước (trong một buổi hướng dẫn cho sinh viên các nước trong lớp phẫu thuật nội soi).
Đã một năm trôi qua, những cuộc hội tụ anh em bác sĩ ở cái lầu 4 của Bệnh viện Chợ Rẫy vào mỗi chiều thứ bảy lại không có anh với cái dáng mảnh khảnh, hiền lành và những câu chuyện lúc nào cũng chỉ xoay quanh công việc và công việc… đến nỗi lúc nào cũng được mọi người nhắc nhở: “Không được bàn về công việc trong ngày nghỉ!”... và để đến lúc bên ly rượu, lại tha hồ được nghe anh kể về khoảng đời anh đi lính ở chiến trường K với bao gian truân, bao cách xử lý cấp thiết với thiết bị thiếu thốn chỉ để bảo tồn tính mạng đồng đội… nhưng cũng chính từ đó anh đã học được rất nhiều với đức tính kiên trực, mạnh dạn dám nghĩ dám làm và hết lòng tận tụy vì người bệnh…
Sáng hôm anh vừa mất, tại Nhà tang lễ của Bệnh viện Chợ Rẫy, biết bao đồng nghiệp như không tin vào sự thật và ai cũng thật sự bàng hoàng như lời của PGS.TS. Trương Văn Việt (nguyên Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy) đã rướm lệ và thảng thốt bên thi hài của một bác sĩ tài hoa mà bạc mệnh...
Tôi chợt thấy hụt hẫng như mất đi một điều gì sâu lắng nhất… Hôm sau đưa tiễn anh về nghĩa trang Đa Phước, con đường về của tôi bỗng thật dài, lòng bỗng buồn da diết. 49 tuổi qua thật nhanh, cuộc đời quá ngắn ngủi để yêu thương, làm việc và cống hiến với biết bao dự định cho tương lai!
… Chiều nay, một số anh em trong viện hẹn cùng nhau qua nhà anh chuẩn bị cho cái giỗ đầu tiên, bỗng thấy tâm trạng nặng nề đến lạ, cứ hụt hẫng, nằng nặng thật khó tả... Tôi không nghĩ mình lại có thể có cảm giác buồn đau đến thế. Loay hoay trên máy tính và mấy thùng đồ cũ, tôi tìm lại tất cả những tấm hình đã lưu giữ về anh trong những chuyến đi hội nghị trong và ngoài nước, đi mổ cùng anh ở các tỉnh thành trong cả nước… cách đây đã gần 6 năm rồi, để vào một ngăn riêng - Từng cái thẻ nhớ được đưa vội vào máy, rê con chuột cứ chơi vơi, đôi lúc chần chừ như lúng túng, cứ nhìn anh trong những tấm ảnh là tôi lại khóc. Tôi không nghĩ cảm giác mất đi một người bạn, một người anh, một người đồng nghiệp lại đau đến thế...      
  Ths.Bs. NGUYỄN ÐÌNH TUẤN - Sức khỏe đời sống

Vĩnh biệt Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Minh Hải - Một chuyên gia phẫu thuật nội soi tài hoa. Nhận được tin nhắn “bác Hải khoa Ngoại tiêu hóa (TS-BS Nguyễn Minh Hải, Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa - BV Chợ Rẫy) mất tối qua rồi”, tôi không thể tin vì BS Hải vừa tiến hành một ca phẫu thuật. BS vẫn làm việc bình thường, còn vui vẻ căn dặn anh em đủ điều trước khi ra về. Vậy mà BS lại ra đi đột ngột sau cơn nhồi máu cơ tim”, BS Hùng của khoa Ngoại tiêu hóa vẫn như chưa tin vào sự thật khi nói với chúng tôi.

10 giờ ngày 2-4-2010, khoa Ngoại tiêu hóa của BV Chợ Rẫy đã đông nghịt bệnh nhân như thường ngày nhưng cửa phòng Trưởng khoa vẫn im ỉm. Không khí lặng lẽ bao trùm lên buổi làm việc của các y bác sĩ, họ đã vĩnh viễn mất đi một người anh tài giỏi, bệnh nhân sẽ không còn thấy dáng đi tất bật của vị bác sĩ trưởng khoa.

Nếu không phải vào phòng mổ, anh Hải cũng chẳng chịu ngồi im một chỗ, cứ tất bật chạy tới lui thăm bệnh, lên lớp dạy... Nhưng từ đây hình ảnh đó không còn nữa”, một điều dưỡng nghẹn ngào nói. Và từ đây, BV Chợ Rẫy vĩnh viễn mất đi một BS giỏi, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực ngoại tiêu hóa.

Tại nhà vĩnh biệt của BV Chợ Rẫy, các bác sĩ, điều dưỡng không kiềm được nước mắt trước thi hài của người đồng nghiệp. Giới y khoa trong nước không thể quên lần đầu tiên BS Nguyễn Minh Hải giới thiệu cắt thực quản tạo hình bằng đại tràng trái qua nội soi giúp bệnh nhân có thể ăn uống qua đường miệng sau 20 năm nhịn ăn vì thực quản teo và tắc nghẽn. Giờ đây, người bệnh đã khỏe mạnh xuất viện còn người thầy thuốc ấy sẽ chỉ còn lại trong ký ức của nhiều người.

TS-BS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy, xót xa nói: “BS Minh Hải vừa là một người bạn thân thiết, một đồng nghiệp đáng quý bởi tinh thần hăng say với nghề nghiệp, chịu khó học hỏi để nâng cao chuyên môn. Là một chuyên gia hàng đầu, uy tín của phẫu thuật nội soi trong nước lẫn quốc tế, anh đã góp phần đào tạo một đội ngũ bác sĩ kế cận vững về chuyên môn lẫn y đức”.

Người Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Minh Hải đã ra đi đột ngột khi anh còn hăng say với những dự định công việc còn dang dở, nhiều công trình nghiên cứu về phẫu thuật nội soi, dạy kỹ thuật nội soi nâng cao cho BS nước ngoài… BS Hải đã bao lần dùng “đôi đũa” nội soi giành lại sự sống khỏe mạnh cho người bệnh nhưng anh đã không chiến thắng được số mệnh của mình.

Xin vĩnh biệt người bác sĩ luôn tận tâm, tận tụy và tận hiến với nghề!

Báo SGGP (2/4/2010)

Bookmark and Share

0 tin nhắn

Đăng nhận xét

Xem ký tự của emoticons vui nhộn tại đây.

[▼/▲] More Emoticons
:)) ;)) ;;) :D ;) :p :(( :) :( :X =(( :-o :-/ :-* :| 8-} :)] ~x( :-t b-( :-L x( =))

Chào các bạn, bạn đã vào trang Benhtimmach.com chưa, đây là trang tư vấn sức khoẻ miễn phí chuyên sâu về lĩnh vực tim mạch click here