
Có những bệnh nhân đi khắp các bệnh viện điều trị vì hồi hộp, đau ngực, khó thở, đau nhức khắp người... Thế nhưng khi khám vẫn không có bệnh gì. Bệnh nhân cảm thấy không được thấu hiểu, còn bác sĩ nói bó tay!
Một buổi sáng tháng ba, khoa tâm lý y học Bệnh viện Sức khỏe tâm thần TP.HCM có 20 người ngồi đợi. Phòng khám rộng 10m2 nhưng cùng lúc có đến năm bệnh nhân được tư vấn, điều trị về tâm lý.
Một lần cho năm năm
Ông Đ., 38 tuổi ở TP.HCM, kể với bác sĩ tâm lý Giang Ngọc Thụy Vy cách đây năm năm, sau một lần nhậu ông gần như kiệt sức phải đi cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán ông bị rối loạn thần kinh thực vật. Từ đó ông hay mệt mỏi, tim đập nhanh, nặng ngực, hay hoảng sợ, nhiều khi không thể thở được, người mệt rũ, chỉ muốn buông xuôi tất cả. Dù ông uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ nhưng bệnh vẫn ngày càng nặng hơn.
Ông Đ. nói: "Mỗi khi các triệu chứng xảy ra tôi rất sợ. Tôi không dám chạy xe. Đi bộ một mình cũng sợ. Đến nơi đông người càng lo hơn vì lỡ có gì xảy ra không có ai đưa đi cấp cứu!". Theo ông, lâu lâu ông lại đi cấp cứu một lần vì tức ngực, khó thở.
Sau đó, ông đến một bệnh viện khác và được chẩn đoán là rối loạn thần kinh tim. Sau thời gian dài uống thuốc mà không hết bệnh, ông than với bác sĩ điều trị, vị bác sĩ này giận dữ bảo: "Bệnh của anh hết thuốc chữa rồi. Bây giờ chỉ còn nước gửi anh qua bệnh viện tâm thần!".
Nghe bác sĩ nói vậy, ông Đ. rất buồn lo, nhưng cuối năm rồi ông vẫn qua Bệnh viện Sức khỏe tâm thần khám. Ông Đ. nói: "Qua đây tôi mới biết mình bị bệnh rối loạn lo âu". Sau gần bốn tháng uống thuốc, ông cảm thấy trong người khỏe hẳn, các triệu chứng khó thở, nặng ngực, hồi hộp, lo lắng giảm 70%. Hôm nay bác sĩ bảo ông lên đây điều trị thêm về tâm lý.
Khi bác sĩ Vy ân cần hỏi thăm về gia đình, công việc, con cái... ông Đ. bộc lộ: "Cách đây năm năm tôi có bất đồng công việc với các sếp. Tôi thấy họ làm sếp nhưng không quan tâm tới thợ, công việc thì giao hết cho tôi. Tôi nghĩ mình bỏ công sức nhiều mà không được thăng tiến. Nản quá, tôi bỏ ra ngoài làm".
Mở một cơ sở sản xuất riêng nhưng ông vẫn luôn chán nản, kèm theo hay lo lắng bệnh của mình làm hao tiền gia đình, rồi lại lo cha mẹ, người xung quanh biết mình bị bệnh sẽ xa lánh...
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Tâm Hồng Thúy - trưởng khoa tâm lý y học - cho biết ông Đ. chỉ là một trong 3.449 bệnh nhân đến khám, điều trị tâm lý tại khoa trong năm 2007. Số bệnh nhân có vấn đề tâm lý đến khám trong năm qua đã tăng hơn năm 2006 đến 1.287 ca.
Theo bác sĩ Vy, có ba dạng bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần đến bệnh viện điều trị là rối loạn lo âu, rối loạn trầm cảm và rối loạn nhân cách. Những rối loạn này có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào. Đối với người có nhân cách yếu thường là họ đã có những tổn thương tâm lý từ nhỏ. Khi có thêm những yếu tố bên ngoài tác động, họ dễ rơi vào rối loạn tâm lý.
Nước cuối
Triệu chứng chung của những bệnh nhân này là hay hồi hộp, nặng ngực, khó thở, có khi đau nhức khắp nơi, nhức đầu, mờ mắt, hoặc mệt mỏi, mất ngủ... Họ đã đến nhiều BV khám và điều trị nhưng không hết. Bệnh nhân đến với Bệnh viện Sức khỏe tâm thần gần như là "nước cuối". Do đó, nhiều bệnh nhân khi đến bệnh viện đã ở giai đoạn trễ khiến việc điều trị khó khăn hơn, thời gian dùng thuốc, hồi phục kéo dài hơn. Nhiều ca không thể điều trị tâm lý đơn thuần mà phải dùng thuốc cho ổn rồi mới điều trị tâm lý.
Theo bác sĩ Vy, trong cuộc đời mỗi người không ai tránh khỏi có ít nhất một lần bị rối loạn tâm thần bởi ai cũng có những áp lực, những mong muốn không đạt được, không toại nguyện. Tuy nhiên có vượt qua được hay không còn tùy thuộc nhiều yếu tố: bản thân người đó có mạnh mẽ không; có được sự thông cảm, nâng đỡ của gia đình, người xung quanh không và họ được hỗ trợ điều trị từ thầy thuốc thế nào.
TS.BS Ngô Tích Linh - trưởng phòng khám tâm thể Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - cho biết cuộc sống hiện đại khiến con người phải chịu rất nhiều áp lực. Những ảnh hưởng về tâm lý như lo âu, stress, trầm cảm.. sẽ tạo ra nhiều bệnh lý khác nhau. Rối loạn dạng cơ thể là một trong những bệnh lý này và có đặc tính chung là các rối loạn tâm thần thể hiện bằng các triệu chứng cơ thể. Các triệu chứng cơ thể liên quan đến các sang chấn tâm lý, xã hội hiện tại hay trong quá khứ nhưng thường bệnh nhân không nhận ra.
Do bệnh từ trong tâm nên những bệnh nhân này thường xuyên thay đổi bác sĩ và luôn có nhu cầu được khám bệnh.
Các dạng rối loạn
Theo TS Ngô Tích Linh, rối loạn dạng cơ thể có nhiều dạng, bao gồm:
Rối loạn cơ thể hóa: bệnh nhân hay than phiền bị đau đầu, đau lưng, đau cổ, tiêu chảy, táo bón, khó nuốt, buồn nôn, kinh nguyệt không đều... bệnh nhân được làm rất nhiều xét nghiệm nhưng kết quả bình thường.
Rối loạn chuyển dạng: bệnh nhân có các cơn co giật với đặc tính là các cơn co giật lộn xộn, bệnh nhân vẫn tỉnh táo trong cơn. Cơn càng nặng nếu có nhiều người chú ý... Một vài bệnh nhân có biểu hiện mù nhưng đặc biệt không bị vấp ngã khi di chuyển, bệnh nhân có thể bị liệt nhưng không teo cơ, phản xạ gân xương bình thường.
Rối loạn nghi bệnh: bệnh nhân thường nghĩ mình đang mắc phải một bệnh nan y, cần điều trị và không tin tưởng vào kết luận của bác sĩ.
Rối loạn đau: bệnh nhân đau rất nhiều dù không có tổn thương thực thể. Đau thường không đáp ứng với thuốc giảm đau.
Rối loạn sợ biến dạng cơ thể: bệnh nhân thường bận tâm quá đáng vào các khuyết điểm của cơ thể do tưởng tượng hoặc chỉ do một khiếm khuyết nhỏ.
(VNDOC 's Blog - Theo TT)


0 tin nhắn
Đăng nhận xét
Xem ký tự của emoticons vui nhộn tại đây.
[▼/▲] More Emoticons