Chào các bạn, mời bạn quảng cáo banner tại đây kích thước 500x70 - giá mềm 700.000/tháng. liên hệ suckhoegd@gmail.com. Mr.Cường



| 0 tin nhắn ]




Cuộc sống cô đơn, vất vả nơi xứ người dễ làm nhiều bạn trẻ nản chí, trầm cảm. Ảnh chỉ có tính chất minh họa: T. H

Sau một thời gian du học ở Anh, Sơn (19 tuổi, Hà Nội) phải về nước vì trầm cảm. Sự lo lắng và tự ti do không theo kịp bạn bè trong học tập khiến cậu lâm vào khủng hoảng

Ở bậc phổ thông, kết quả học tập của Sơn rất bình thường, nhưng do kinh tế gia đình khá nên sau khi tốt nghiệp, cậu được bố mẹ cho sang Anh học. Vì ngoại ngữ còn kém nên việc tiếp thu bài vở của Sơn ở trường khá khó khăn. Cậu học miệt mài mới "qua" được các môn một cách trầy trật, kết quả kém xa so với các bạn Việt Nam khác. 

Sơn có bạn gái người Việt, một thiếu nữ tuy gia cảnh khó khăn nhưng học rất giỏi. Nể bạn bao nhiêu, cậu lại thấy mình kém cỏi bấy nhiêu. Cố gắng nhiều mà kết quả không đáng kể, Sơn ngày càng chán nản, trầm uất, vừa mặc cảm vừa sợ hãi cho tương lai. Rồi dần dần, cậu không thể học hành mà phải về nước điều trị. 

Ngược lại với Sơn, Ngà (20 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) là một nữ sinh luôn đạt điểm xuất sắc suốt 12 năm đi học. Hết phổ thông, cô cũng được gia đình cho sang Đức học tiếp, và thành tích khá nổi bật. Ngà ở trọ trong một gia đình người Đức. Do sự khác biệt về văn hóa nên cô không hòa hợp được với họ, nhiều lần xảy ra xích mích. 

Là người sống tình cảm, những lần như vậy Ngà suy nghĩ rất nhiều, khóc hết nước mắt. Ở trường, cô cũng không có ai thân thiết bởi không hợp với cách sống, cách nghĩ của người Âu. Dần dần cô bị trầm cảm nặng, phải về Việt Nam. Các chuyên gia tâm lý khuyên bố mẹ Ngà không nên cho con đi học nước ngoài nữa. Hiện cô là sinh viên xuất sắc của một trường đại học lớn trong nước. 

Tiến sĩ Lã Thị Bưởi, một trong những chuyên gia đầu ngành về tâm lý lâm sàng của Việt Nam, cho biết tình trạng thanh thiếu niên bị rối loạn tâm thần sau một thời gian du học khá phổ biến. Thường đó là những em học hơi yếu hoặc ngoại ngữ còn non như Sơn, hay khả năng thích ứng với nền văn hóa lạ thấp như Ngà. Ở một môi trường xa lạ, phải tự lực hoàn toàn, những khó khăn các em vấp phải thường trở nên khó vượt qua hơn bình thường, dẫn đến lo âu, buồn chán, hẫng hụt và khủng hoảng tâm lý. 

Trẻ nhỏ và cô đơn càng dễ mắc bệnh 

Tình trạng rối loạn kể trên rất dễ xảy ra nếu trẻ được đưa ra nước ngoài khi còn quá nhỏ mà không có sự chuẩn bị kỹ càng. Trường hợp của Việt Anh, 10 tuổi, là một ví dụ. Mồ côi bố, cậu bé này sống với mẹ trong khu buôn bán của người Việt tại Nga. Mẹ cậu rất ít quan hệ với các đồng bào của mình, cũng không chơi với nhiều người bản xứ. Ngoài giờ đến lớp, hai mẹ con thui thủi với nhau nhưng cũng ít trò chuyện. 

Ít giao tiếp, Việt Anh nói tiếng Việt tồi, tiếng Nga cũng không sõi, lại không biết cách hòa nhập, kết giao nên vừa học kém vừa không có bạn. Cậu bé bị đưa vào một lớp cá biệt cùng một số học sinh người Nga và cũng rất cô đơn trong lớp đó. Dần dần Việt Anh trở nên nghịch phá quá mức, khó tập trung chú ý và có nhiều biểu hiện bất thường nên được mẹ đưa về nước. 

Tại Việt Nam, Việt Anh được trị liệu bằng các trò chơi mà cháu có khả năng như đánh cờ, vẽ... và luôn được khen, khích lệ. Cháu lại được các cô bác, anh em họ săn đón, yêu mến, lại sống trong môi trường văn hóa thuần khiết Việt Nam thay vì nửa nọ nửa kia như trước đây. Nhờ đó, Việt Anh cảm thấy tự tin, hạnh phúc và nhanh chóng trở nên bình thường. 

Người đi xuất khẩu lao động cũng là nạn nhân 

Trong số bệnh nhân cần trị liệu tâm lý có không ít người từng đi lao động ở nước ngoài, anh Minh 37 tuổi ở Bắc Giang là một ví dụ. 

Sau một thời gian làm việc ở Đài Loan, anh Minh chuyển sang Hàn Quốc làm vì thu nhập ở đây cao hơn nhiều. Nhưng ở nơi mới, anh rất lúng túng vì biết quá ít tiếng Hàn, cường độ làm việc và yêu cầu về kỹ thuật cao nên Minh không đáp ứng được. Khí hậu quá lạnh ở nước bạn lại khiến Minh yếu đi. 

Ở lại thì kham không nổi, về thì lấy gì bù vào số tiền vay để được ra nước ngoài. Lo sợ, bế tắc, kiệt sức, Minh bị trầm cảm và rối loạn lo âu, phải về nước điều trị dài ngày. 

Còn anh Quyết ở Hà Nam vốn là một kỹ sư, tiếng Anh tốt nên kiếm được việc ở một nhà máy tại Hàn Quốc. Nhà máy này liên tục sa thải những nhân viên không đạt yêu cầu nên anh luôn phải gồng mình để bám trụ. Do làm tốt hơn, anh bị nhiều đồng nghiệp bản xứ ghen ghét, tìm cách chơi xấu, phải đề phòng rất đau đầu. 

Có lần bị quản đốc người Hàn Quốc đánh, nhờ hiểu biết, giỏi ngoại ngữ, Quyết kiện lên lãnh đạo khiến quản đốc bị đuổi. Người thay thế ông ta luôn tìm cách để bắt lỗi anh, báo cáo về anh rất xấu và Quyết có nguy cơ bị sa thải. Quá căng thẳng, lại kiệt sức vì phải làm thêm việc nặng 4 tiếng mỗi ngày trong giá rét khắc nghiệt, anh lên cơn kích động, đập phá và phải về nước. Trong quá trình điều trị, Quyết vẫn thường xuyên mơ thấy mình đang đối mặt với nỗi sợ hãi mất việc, trở về Việt Nam với đống nợ nần. 

Nếu không vững vàng, đừng ra nước ngoài 

Theo tiến sĩ Lã Thị Bưởi, để tránh tình trạng trên, cần có sự chuẩn bị kỹ càng cả về tâm lý và kỹ năng sống trước khi ra nước ngoài học hoặc làm việc. 

Với học sinh sinh viên: Trước khi cho con đi du học, cha mẹ nên cân nhắc xem ngoại ngữ của trẻ có tốt không; học lực của trẻ có phù hợp với chuyên ngành và bậc học đã chọn hay không; khả năng sống tự lập, giao tiếp, thích ứng với môi trường mới của trẻ có cao không. Nếu câu trả lời là không thì chưa nên cho con đi. 

Với những người kiếm sống ở nước ngoài và cho con đi theo, cần đảm bảo cho trẻ mối quan hệ cộng đồng tốt, giúp con giao tiếp với cả đồng bào lẫn người bản xứ, và luôn quan tâm xem con có gặp khó khăn gì trong việc hòa nhập không. 

Với người xuất khẩu lao động: Cần có sức khỏe tốt, tìm hiểu kỹ về những yêu cầu công việc ở nước ngoài để biết mình có thể đáp ứng đến đâu. Về tâm lý, phải có phương hướng rõ ràng cho tương lai, quyết tâm và tin tưởng là sẽ đạt được mục đích. Những người sức khỏe kém, dễ sợ hãi, ngã lòng khi gặp khó khăn không nên đi. 

Ngoài ra, khi ở nước bạn, nên cố gắng tạo các mối quan hệ bạn bè tốt để có thể chia sẻ, giải tỏa những stress trong công việc và cuộc sống xa nhà.

Theo Hải Hà (VNE)

Bookmark and Share

0 tin nhắn

Đăng nhận xét

Xem ký tự của emoticons vui nhộn tại đây.

[▼/▲] More Emoticons
:)) ;)) ;;) :D ;) :p :(( :) :( :X =(( :-o :-/ :-* :| 8-} :)] ~x( :-t b-( :-L x( =))

Chào các bạn, bạn đã vào trang Benhtimmach.com chưa, đây là trang tư vấn sức khoẻ miễn phí chuyên sâu về lĩnh vực tim mạch click here