Cấy điện cực lên não bộ
Lâu nay, bệnh nhân Parkinson thường được điều trị nội khoa, thời gian uống thuốc có thể phải kéo dài suốt đời. Những bệnh nhân Parkinson giai đoạn nặng với nhiều dạng rối loạn vận động, nếu có điều kiện thì đi phẫu thuật điều trị ở nước ngoài với chi phí hàng trăm ngàn USD/ca. Ở nước ta, từ trước đến nay chưa có cơ sở y tế nào thực hiện phẫu thuật để điều trị bệnh này vì ngoài chi phí đầu tư khá lớn còn đòi hỏi chuyên môn của bác sĩ phải đáp ứng.
Các chuyên gia phẫu thuật của Pháp và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương hội ý trong một hoạt động hợp tác về điều trị
TS-BS Nguyễn Thy Hùng, Giám đốc Bệnh viện (BV) Nguyễn Tri Phương (TPHCM), cho biết 2 trường hợp sắp được BV phẫu thuật mắc bệnh Parkinson rất nặng, mất kiểm soát các hoạt động chân tay và đã điều trị theo phương pháp nội khoa lâu nay nhưng thất bại. Cả hai bệnh nhân đã được chỉ định phẫu thuật can thiệp bằng kỹ thuật cấy điện cực vào não lần đầu tiên triển khai ở nước ta.
Bác sĩ Lê Đức Định Miên, Khoa Ngoại Thần kinh BV Nguyễn Tri Phương, giải thích bệnh nhân sẽ được cấy một hoặc hai điện cực và máy kích thích lâu dài vào cơ thể đồng thời đặt dưới da lồng ngực một máy xung điện. Hai hệ thống này nối với nhau bằng hai dây dẫn cấy dưới da đầu và cổ vai. Khi xung điện tạo ra, não bộ sẽ hoạt động lại bình thường.
Các thiết bị nói trên chạy bằng pin, thường 3 năm phải thay một lần, chúng có khả năng ức chế các bất thường của não. Khi máy vận hành, người bệnh linh hoạt trở lại; sự rối loạn vận động, run cứng hầu như biến mất. Các thống kê y văn cho thấy 70% - 80% bệnh nhân sau khi áp dụng kỹ thuật này đã trở lại sinh hoạt bình thường, 30% giảm bớt triệu chứng.
Ấp ủ gần 10 năm
Bác sĩ Hùng cho biết việc triển khai phẫu thuật bệnh Parkinson là chương trình của tập thể y - bác sĩ BV Nguyễn Tri Phương ấp ủ gần 10 năm qua. BV đã đưa người đi đào tạo chuyên môn tại Pháp, đầu tư mua sắm hệ thống trang thiết bị hiện đại như phòng mổ, chẩn đoán hình ảnh, khung CRW và phần mềm phẫu thuật, hệ thống Leadpoint, hệ thống đẩy điện cực trong phẫu thuật, hệ thống C-arm, khung cố định đầu (Mayfield), hệ thống tích hợp chụp MSCT với khung CRW…
Ở lần đầu tiên triển khai phẫu thuật Parkinson này, BV Nguyễn Tri Phương được sự hỗ trợ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật từ các chuyên gia phẫu thuật thần kinh của Viện trường Nantes (Pháp). Hiện tất cả các bước chuẩn bị về chuyên môn cho 2 ca phẫu thuật đặc biệt này đã hoàn tất, BV đã sẵn sàng đầy đủ về nhân, vật lực, trang thiết bị.
Ngày 8-4, đoàn chuyên gia phẫu thuật của Pháp, do GS Jean Paul Nguyen dẫn đầu, cùng các thành viên đến TPHCM. Ngày 9 và 10-4, đoàn làm việc với lãnh đạo BV Nguyễn Tri Phương, kiểm tra và vận hành thử các phương tiện phục vụ phẫu thuật, thăm khám bệnh nhân lần cuối để trong hai ngày 11 và 12-4 sẽ phẫu thuật cho 2 ca bệnh Parkinson nói trên.
PGS-TS–BS Võ Văn Nho đánh giá đây là bước phát triển của y học nước nhà trong lĩnh vực điều trị các bệnh về thần kinh và mở ra nhiều triển vọng mới vì người mắc bệnh này đang tăng cao nhưng hầu hết bệnh nhân không đủ tiền để đi điều trị ở nước ngoài.
0 tin nhắn
Đăng nhận xét
Xem ký tự của emoticons vui nhộn tại đây.
[▼/▲] More Emoticons